Trấn áp Cát Nhĩ Đan Tát Bố Tố

Năm thứ 31 (1692), Tát Bố Tố xin xây thành ở Tề Tề Cáp Nhĩ và Bạch Đô Nột [8], sai bộ lạc Khoa Nhĩ Thấm chọn lấy hơn 4 ngàn tráng đinh các tộc Tích Bá, Quái Nhĩ Sát (Guuwalca Hala), Đạt Hô Nhĩ chia ra trú ở 2 thành, biên chế Tá lĩnh [9], thuộc Thượng tam kỳ [9]; rồi đặt các chức Phòng thủ úy, Phòng ngự. Cát Nhĩ Đan xâm phạm, Tát Bố Tố dâng sớ trình bày phương lược tiến quân, đại lược cho rằng nơi có hình thế đắc lợi nhất ở phía bắc Hưng An Lĩnh là núi Tác Ước Nhĩ Tế [10], từ đó đề nghị dùng quan binh biết đường lối thăm dò xem từ Thịnh Kinh, Cát Lâm, Mặc Nhĩ Căn đến núi xa gần thế nào, chia đặt dịch trạm, nơi nào thiếu nước, đào giếng để đợi; điều quân 3 nơi nói trên hợp với quân trú phòng biên cảnh chia làm 2 lộ: một đi qua Hô Luân Bối Nhĩ (Hulunbuir) ở đông bắc núi, một đi qua Ô Lặc Huy (suối) ở tây bắc núi, hội sư ở núi Tác Ước Nhĩ Tế; đế ưng lời tâu này.

Năm thứ 35 (1696), đế thân chinh Cát Nhĩ Đan, quân Thanh chia làm 3 lộ, đế ra trung lộ, Phí Dương Cổ ra tây lộ, còn Tát Bố Tố chẹn đông lộ, đốc quân Thịnh Kinh, Ninh Cổ Tháp, Khoa Nhĩ Thấm, hội sư ở núi Tác Ước Nhĩ Tế. Tháng 4, Cát Nhĩ Đan bỏ trốn, có chiếu sai Tát Bố Tố chia 500 quân cho Phí Dương Cổ để ông ta truy kích.

Năm thứ 36 (1697), được triệu về kinh, rồi trở lại nhiệm sở.